10 Cách Chữa Nấc Cực Kỳ Hiệu Quả Cho Trẻ Sơ Sinh, Mẹ Nên Biết
Trẻ sơ sinh rất hay bị nấc cụt. Điều này không ảnh hưởng đến sức khỏe nhưng lại khiến trẻ khó chịu, bực tức. Vì thế, ba mẹ nên áp dụng các cách chữa nấc cho trẻ sơ sinh dưới đây để giúp con hết nấc.
Dưới đây là 10 cách chữa nấc cho trẻ sơ sinh an toàn và hiệu quả nhất, ba mẹ nên tham khảo nhé.
1. Nấc là gì?
Nấc (hay còn gọi là nấc cụt) là hiện tượng sinh lý bình thường xảy ra do sự co thắt không chủ ý và ngắt quãng của cơ hoành và cơ liên sườn, gây nên sự đóng đột ngột của thanh môn.
Nấc có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, từ trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ cho đến người lớn. Tuy nhiên, chúng đều vô hại với sức khỏe của mỗi người và cơn nấc sẽ tự hết trong một khoảng thời gian ngắn.
Trường hợp nấc cụt nhiều và kéo dài thì cần phải có biện pháp can thiệp kịp thời để tránh gây ra những biến chứng nguy hiểm như: khó thở, thở dốc,…
2. Tại sao trẻ sơ sinh hay bị nấc?
Trẻ sơ sinh bị nấc có thể là do các nguyên nhân sau:
- Sự thay đổi nhiệt độ đột ngột: Thời tiết đang nóng chuyển sang lạnh, trẻ không được mặc ấm kịp thời, không khí lạnh đi vào phổi khiến trẻ bị nấc cụt.
- Trẻ bú quá no: Trẻ bú quá no làm cho kích thước dạ dày giãn to ra và làm kích thước khoang bụng thay đổi đột ngột làm co thắt cơ hoành, khiến trẻ bị nấc cụt.
- Trẻ bú sai cách: Trẻ bú sai cách, nút nhiều không khí vào dạ dày tạo ra kích thích khiến cơ hoành co thắt rồi tạo thành tiếng nấc.
- Trào ngược dạ dày thực quản: Axit trong dạ dày trẻ tăng cao, đi ngược vào thực quản khiến trẻ bị nấc cụt nhiều. Giai đoạn vừa mới sinh, hệ tiêu hóa và dạ dày của trẻ chưa hoàn thiện nên dễ xảy ra tình trạng trào ngược dạ dày.
- Trẻ hít phải không khí ô nhiễm: Hệ hô hấp của trẻ chưa phát triển hoàn chỉnh nên khi hít phải khói hay không khí ô nhiễm sẽ dễ khiến trẻ bị ho. Việc trẻ bị ho nhiều quá sẽ làm tổn thương cơ hoành, dẫn đến tình trạng nấc cụt.
- Do bệnh lý: Nếu mắc bệnh hen suyễn, dị ứng,…trẻ cũng bị nấc kéo dài trong nhiều ngày.
Có rất nhiều nguyên nhân khiến trẻ sơ sinh bị nấc
3. Cách chữa nấc cho trẻ sơ sinh
Phần lớn trẻ sơ sinh bị nấc cụt đều là vô hại và thường tự khỏi trong vòng vài phút mà không cần phải điều trị gì. Tuy nhiên, để hạn chế tình trạng nấc nhiều có thể gây trớ sữa, khó chịu cho bé, ba mẹ có thể tham khảo các cách chữa nấc cụt cho trẻ sơ sinh dưới đây:
Bịt lỗ tai hoặc hai cách mũi cho bé
Dùng 2 ngón tay bịt kín hai bên lỗ tai của trẻ trong khoảng 20 – 30 giây. Hoặc dùng tay bóp nhẹ 2 cánh mũi của trẻ, đồng thời giữ kín miệng trẻ trong 2 – 3 giây. Lặp lại động tác này khoảng 15 lần sẽ giúp cơ hoành căng cứng, không bị co lại nữa. Từ đó, cơn nấc sẽ hết.
Cho trẻ bú sữa hoặc uống nước ấm
Nếu cơn nấc kéo dài, mẹ có thể ngăn chặn lại bằng cách cho trẻ bú sữa đối với bé dưới 6 tháng tuổi hoặc uống nước với bé trên 6 tháng tuổi.
Làm cho trẻ khóc
Thật sự không thú vị chút nào khi phải tự làm cho trẻ khóc. Tuy nhiên, đây là một trong những cách giúp trẻ sơ sinh bị nấc nhiều dừng ngay tức khắc. Bởi khi trẻ khóc sẽ làm giãn thần kinh thực quản, cắt được các kích thích lên cơ hoành.
Vỗ lưng cho trẻ
Thấy trẻ bị nấc, mẹ có thể nhẹ nhàng vỗ và xoa lưng nhẹ nhàng cho trẻ. Quá trình này không chỉ khiến trẻ cảm thấy dễ chịu và thoải mái hơn mà còn giúp trẻ loại bỏ được cơn trào ngược dạ dày, đẩy hơi hết ra ngoài và chữa nấc cụt hiệu quả.
Vỗ lưng cho trẻ là một cách chữa nấc hiệu quả cho trẻ sơ sinh
Thay đổi tư thế bú
Trẻ sơ sinh bị nấc có thể là do trẻ bú sai cách khiến lượng không khí mà trẻ nuốt vào quá nhiều. Lúc này, mẹ cần thay đổi tư thế cho trẻ bằng cách để trẻ nằm nghiêng sang một bên khác, để đầu trẻ cao hơn so với thân để hạn chế tối đa tình trạng trẻ nuốt quá nhiều khí, gây chướng bụng, khó chịu. Từ đó sẽ giúp con hết bị nấc.
Làm ấm cơ thể cho trẻ
Một trong những mẹo dân gian chữa nấc cho trẻ sơ sinh là cân bằng lại nhiệt độ cơ thể cho trẻ. Nếu bé hay bị nấc và trớ, có thể là biểu hiện lạnh của cơ thể, mẹ cần theo dõi và thay đổi nhiệt độ trong phòng hoặc ủ ấm bằng khăn cho trẻ để trẻ cảm thấy đỡ lạnh hơn, ngăn chặn cơn nấc hiệu quả.
Sử dụng lá trầu không
Lá trầu không có tính ấm, nóng, chứa tinh dầu có tác dụng chống lạnh, hạ khí, tiêu sưng và sát trùng tốt nên được rất nhiều người sử dụng để chữa nấc cho trẻ sơ sinh.
Cách thực hiện:
- Bước 1: Chuẩn bị 1 lá trầu không.
- Bước 2: Hơ nóng lá trầu không, sau đó đắp lên trán của trẻ trong khoảng từ 2 – 3 phút.
Lưu ý: Trước khi đắp lá trầu không lên trán bé, mẹ cần phải lưu ý đến nhiệt độ ở lá trầu không bởi lá quá nóng sẽ gây tổn thương cho làn da non nớt của trẻ, thậm chí là gây bỏng nặng.
Lá trầu không có tính ấm, nóng nên thường được sử dụng để chữa nấc cho trẻ sơ sinh
Chữa nấc cho trẻ bằng cuốn chiếu hoặc giấy
Dùng các vật nhỏ như cuốn chiếu hoặc giấy dán lên vùng giữa 2 đầu lông mày của trẻ sẽ làm cho cơ thể trẻ có phản xạ tự nhiên, chú ý đến những vật đặt trên trán và quên đi tình trạng nấc cụt đang diễn ra.
Cho bé ngậm núm vú giả
Khi trẻ bị nấc, mẹ có thể cho bé ngậm núm vú giả để cơ hoành của bé được thư giãn hơn, giảm và chấm dứt nhanh chóng các cơ nấc.
Cho trẻ ăn đường
Vị ngọt thanh của đường sẽ giúp trẻ quên đi các cơn nấc và giúp trẻ nhanh hết nấc hơn. Tuy nhiên, cách này chỉ áp dụng cho trẻ lớn, từ 2 tuổi trở lên.
Cho trẻ ăn đường cũng giúp trẻ nhanh hết nấc
4. Cách phòng ngừa tình trạng nấc cụt cho trẻ sơ sinh
Thực tế, tình trạng nấc cụt ở trẻ sơ sinh có thể phòng ngừa bằng các cách sau:
- Giữ nhiệt độ phòng ổn định, không nên mở cửa sổ lớn hoặc quá lâu để tránh tình trạng trẻ bị nhiễm lạnh đột ngột.
- Khi cho trẻ ra ngoài, nhất là vào mùa đông hoặc khi thời tiết có gió lạnh, bạn hãy đeo khăn và mặc ấm để tránh gió cho bé.
- Khi tắm cho trẻ không nên để nhiệt độ nước chênh lệch quá lớn so với nhiệt độ phòng. Trong mùa đông cần bật đèn sưởi để tắm cho bé.
- Cho trẻ bú theo cữ, không để con đói quá dẫn đến tình trạng bé đói ăn, bú quá nhanh và quá no, dẫn đến tình trạng nấc cụt.
Cơ thể trẻ phải luôn được giữ ấm để ngăn ngừa tình trạng nấc cụt
5. Khi nào trẻ cần đến bệnh viện để khám?
Nếu thấy trẻ bị nấc cụt liên tục nhiều lần trong ngày và mãi cũng không chấm dứt, ba mẹ nên đưa trẻ đến các bệnh viện để được thăm khám. Bởi rất có thể đây là dấu hiệu cảnh báo bệnh lý nào đó liên quan đến hệ tiêu hóa. Đặc biệt, các trường hợp sau cần được thăm khám ngay để tránh hậu quả nghiêm trọng cho trẻ:
- Trẻ có những cơn nấc kéo dài kèm ợ hơi ra chất lỏng.
- Trẻ nấc cụt liên tục trong khi bú, lúc đang chơi, thậm chí là cả lúc ngủ.
- Cơn nấc cụt kéo dài nhiều giờ, nhiều ngày kèm theo chứng thở khò khè.
Như vậy, các bạn đã biết cách chữa nấc cho trẻ sơ sinh rồi chứ. Hầu hết, trẻ sơ sinh bị nấc cụt đều là hiện tượng sinh lý bình thường, không gây nguy hiểm. Tuy nhiên, để làm giảm sự khó chịu cho bé, ba mẹ nên áp dụng các biện pháp trên.
--------------------------------------------------------------
Mẹ Khỏe Con Thông Minh: Shop Mẹ và Bé Hàng Đầu Việt Nam
Website: https://mekhoeconthongminh.com/
Số điện thoại: 0942.666.800
Email: cskh@mekhoeconthongminh.com
Địa chỉ: Tầng 3, Tòa nhà 24T3 Thanh Xuân Complex, Số 6 Lê Văn Thiêm, Thanh Xuân Trung, Thanh Xuân, Hà Nội