Các Dấu Hiệu Phát Hiện Bệnh Sởi Sớm Ở Trẻ, Bố Mẹ Nên Biết
Sốt cao, ho, chảy nước mắt, chảy nước mũi,…đều là dấu hiệu nhận biết trẻ bị sởi. Bố mẹ nên theo dõi và chăm sóc trẻ đúng cách để không gây ra những biến nguy hiểm.
Trước đây, khi chưa có vắc xin tiêm phòng bệnh sởi, sởi là cơn ác mộng của mọi người dân. Trung bình mỗi năm có tới 2.9 triệu người chết vì bệnh sởi. Đặc biệt, năm 2014, đại dịch sởi tấn công vào Việt Nam, khiến nhiều thai phụ sinh non, trẻ em tử vong cao.
Vì thế, đứng trước những biến chứng nguy hiểm của bệnh sởi, các bạn cần nắm rõ dấu hiệu trẻ bị sởi để có biện pháp chữa trị kịp thời, nhanh chóng.
1. Bệnh sởi là bệnh gì?
Bệnh sởi là một bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus sởi gây ra. Virus sởi là virus thuộc họ Paramyxoviridae, dạng hình cầu, có đường kính từ 120 – 250nm.
Đặc tính của virus sởi là có sức chịu đựng yếu nên dễ bị tiêu diệt bởi các loại thuốc khử trùng hoặc ánh sáng Mặt Trời, sức nóng có nhiệt độ khoảng 56 độ C.
Bệnh sởi thường xảy ra vào mùa đông xuân, lây truyền qua đường hô hấp do dịch tiết ra từ mũi họng của người bị bệnh theo đường không khí thoát ra như: ho, hắt hơi, nói chuyện,…và dễ phát triển thành ổ dịch khi tiếp xúc tại khu vực đông người như: trường học, nhà trẻ,…
Bệnh sởi thường gặp ở trẻ em và chúng có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm nếu trẻ không được chăm sóc và điều trị đúng cách.
Bệnh sởi là một bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus sởi gây ra
2. Dấu hiệu trẻ bị sởi
- Sốt cao: Sốt cao, liên tục trong 2 ngày từ 39 – 40 độ C. Hầu hết trẻ bị sốt khi lên sởi đều không giảm sau khi uống thuốc hạ sốt mà chúng chỉ thuyên giảm sau khi xuất hiện các nốt sởi.
- Ho dai dẳng: Trẻ có thể bị ho khan hoặc ho có đờm, ho dai dẳng suốt cả ngày lẫn đêm. Kèm theo đó là triệu chứng hắt hơi, sổ mũi.
- Mắt đỏ: Mắt đỏ cả 2 bên, kèm theo đó là chảy nước mắt.
- Nổi ban sởi đặc trung: Lúc đầu, ban sởi sẽ nổi ở sau tai, sau đó lan ra mặt rồi dần dần xuống ngực, bụng và toàn thân. Khi các vết ban sởi biến mất thì chúng sẽ để lại những vết thâm giống “vằn da hổ”.
Khi mắc bệnh sởi, trẻ sẽ bị sốt cao 39 - 40 độ C trong 2 ngày
3. Bệnh sởi có nguy hiểm không? Biến chứng nguy hiểm của bệnh sởi là gì?
Trong trường hợp không có biến chứng thì trẻ bị mắc bệnh sởi sẽ hồi phục ngay sau khi sởi ban xuất hiện và cơ thể trở lại bình thường sau 1 – 2 tuần.
Tuy nhiên thực tế có tới 40% bệnh nhân gặp phải các biến chứng do virus sởi gây ra. Điều này thường xuyên xảy ra với trẻ nhỏ (trẻ dưới 5 tuổi) và có nguy cơ tử vong cao.
Các biến chứng nguy hiểm mà bệnh sởi gây ra là:
- Bệnh viêm tai giữa (xảy ra khoảng 1/10 trẻ bị nhiễm bệnh sởi).
- Viêm phổi năng, có thể dẫn đến tử vong (tỉ lệ 1/20 trẻ bị mắc bệnh sởi).
- Viêm não (tỉ lệ 1/1000 trẻ bị mắc bệnh sởi).
- Tiêu chảy, nôn mửa. Hiện tượng này thường xảy ra ở trẻ nhỏ, nhất là trẻ nhũ nhi.
- Mờ hoặc loét giác mạc mắt. Đây là một biến chứng cực kỳ nguy hiểm của bệnh sởi.
- Suy dinh dưỡng nặng do trẻ bị hậu nhiễm sởi, làm ảnh hưởng đến sức khỏe.
Bệnh sởi có thể gây ra nhiều biến chứng nặng nề cho trẻ
4. Cách chăm sóc trẻ bị bệnh sởi tại nhà
Đối với bệnh sởi, nếu gia đình có đủ điều kiện chăm sóc và cách ly thì bố mẹ nên chăm sóc và điều trị tại nhà cho trẻ. Dưới đây là cách chăm sóc trẻ bị bệnh sởi tại nhà, các bạn có thể tham khảo:
- Cách ly trẻ bị bệnh với những trẻ không bị bệnh.
- Cho trẻ uống thuốc hạ sốt khi trẻ sốt cao trên 38.5 độ C theo đúng sự chỉ định của bác sĩ.
- Người chăm sóc trẻ phải đeo khẩu trang, rửa tay bằng nước sát khuẩn trước và sau khi tiếp xúc với trẻ.
- Vệ sinh thân thể hàng ngày cho trẻ như tắm rửa, thay quần áo. Tuy nhiên, bố mẹ cần phải thực hiện nhanh cho trẻ để tránh tình trạng cảm lạnh.
- Vệ sinh môi trường xung quanh, giữ gìn phòng thông thoáng và sạch sẽ.
- Cắt móng tay cho bé để tránh tình trạng bé ngứa ngáy, khó chịu, gãi làm xước da.
- Nhỏ mắt bằng nước muối sinh lý 0.9% ngày 3 lần.
- Tránh quan niệm kiêng tắm, kiêng gió khiến bệnh tình trở nên trầm trọng hơn.
- Trẻ còn bú mẹ thì vẫn tiếp tục cho bé bú mẹ và kết hợp với chế độ ăn uống khoa học, hợp lý.
- Khi chế biến món ăn cho bé, mẹ nên chọn những món ăn mềm, dễ tiêu, đun sôi, nấu kỹ. Và khi ăn, mẹ nên chia thành nhiều bữa cho bé ăn.
- Bổ sung vitamin A cho trẻ để dự phòng tình trạng thiếu vitamin A, giúp bảo vệ đôi mắt cho trẻ:
+ Trẻ dưới 6 tháng tuổi: Uống 50.000 đơn vi/ngày x 2 ngày liên tiếp.
+ Trẻ 6 – 12 tháng tuổi: Uống 100.000 đơn vị/ngày x 2 ngày liên tiếp.
+ Trẻ trên 1 tuổi và người lớn: Uống 200.000 đơn vị/ngày x 2 ngày liên tiếp.
Tiêm phòng vắc xin là biện pháp phòng tránh bệnh sởi tốt nhất hiện nay
5. Cách phòng bệnh sởi cho bé
- Tiêm vắc xin là biện pháp phòng tránh bệnh sởi tốt nhất cho bé.
- Tiêm vắc xin phòng bệnh sởi được thực hiện khi trẻ được 9 tháng tuổi và mũi thứ 2 khi trẻ 18 tháng tuổi.
- Trường hợp ba mẹ để trẻ tiếp xúc với nguồn lây có thể dùng globutin miễn dịch để phòng ngừa hoặc làm giảm mức độ nặng của bệnh.
- Vệ sinh cơ thể hàng ngày cho trẻ.
- Đeo khẩu trang khi tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi ngờ người bệnh mắc bệnh sởi.
- Tránh tình trạng dụi, mắt mũi.
- Vệ sinh mắt, mũi hàng ngày.
Trên đây là một số dấu hiệu nhận biết trẻ bị bệnh sởi. Các bạn hãy tham khảo để phát hiện và điều trị sớm bởi bệnh sởi rất nguy hiểm và gây ra nhiều biến chứng nặng nề.