Bệnh Tay Chân Miệng Ở Trẻ Em: Nguyên Nhân, Dấu Hiệu Và Cách Chữa
Bệnh chân tay miệng là bệnh truyền nhiễm do virus gây ra và có khả năng lây lan nhanh ở trẻ nhỏ. Nguyên nhân do đâu và hướng điều trị cho bé như thế nào?
Bệnh tay chân miệng ở trẻ em là nỗi lo lắng của nhiều bậc cha mẹ có con nhỏ. Liệu những vết nổi mẩn đỏ trên tay chân bé kia có phải là triệu chứng của bệnh không? Tay chân miệng là gì? Bệnh này có nguy hiểm không? Nguyên nhân và cách chữa bệnh tay chân miệng là gì? Cùng theo dõi bài viết dưới đây để có thể nhận biết chính xác căn bệnh này ở trẻ và có cập nhật những bí quyết chăm sóc trẻ hữu ích khi bé mắc căn bệnh này ba mẹ nhé!
Bệnh chân tay miệng là gì? Nguyên nhân gây ra bệnh chân tay miệng
Tay chân miệng là một bệnh truyền nhiễm thường gặp ở trẻ nhỏ, nhất là các bé dưới 5 tuổi. Bệnh do virus Coxsackie gây ra. Virus này có khả năng lây lan rất nhanh nếu tiếp xúc trực tiếp với trẻ bị bệnh qua đường miệng hay hít phải giọt bắn văng ra lúc nói chuyện, các chất tiết từ mũi, miệng lúc ho, hắt hơi, các nốt ban trên da và phân của trẻ bệnh. Trẻ lành cầm nắm đồ chơi hay chạm vào sàn nhà có dính nước bọt, chất tiết mũi họng của trẻ bệnh cũng sẽ bị lây bệnh.
Bệnh có khả năng tự khỏi sau 5 - 7 ngày. Tuy nhiên ba mẹ không nên chủ quan vì nó có thể dẫn đến những biến chứng nguy hiểm như viêm màng não, viêm cơ tim, phù phổi dẫn đến tử vong… nếu không được điều trị đúng cách.
Bệnh tay, chân, miệng ở trẻ nhỏ lây lan rất nhanh qua tiếp xúc trực tiếp với trẻ bị bệnh
Dấu hiệu nhận biết bệnh tay chân miệng ở trẻ em
1. Nổi ban trên da: Đây là dấu hiệu đặc trưng thường gặp khi trẻ bị chân tay miệng. Trong 1-2 ngày khi phát bệnh, xuất hiện nhiều ở ngón tay, lòng bàn tay, lòng bàn chân, mông. Những nốt ban có kích thước từ 2-5mm ở giữa có màu xám sẫm và có hình bầu dục, sau đó trở thành bọng nước. Dấu hiệu nổi ban trên da bé thường không đau, không ngứa và có thể kéo dài tới 10 ngày.
2. Loét miệng: Khi các ban đỏ xuất hiện quanh miệng sẽ gây loét miệng. Những vết loét thường có đường kính từ 4-8mm và ở trong miệng, trên lưỡi và vòm miệng của trẻ khiến bé gặp khó khăn khi nuốt. Ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, bệnh chân tay miệng sẽ khó xác định nếu con bạn chỉ bị nổi bóng nước trong miệng hoặc cổ họng. Do còn quá nhỏ nên con không thể nói cho bạn biết rằng con bị đau họng. Với những dấu hiệu bệnh chân tay miệng này nhiều cha mẹ dễ bị lầm tưởng bé bị viêm loét miệng thông thường. Do đó nếu thấy trẻ sốt và có dấu hiệu ngừng ăn hoặc uống hoặc không muốn ăn hoặc uống thì bạn hãy đưa con đến gặp bác sĩ để được chẩn đoán kịp thời.
3. Sốt: Sốt nhẹ hoặc sốt cao. Bé bị sốt là dấu hiệu cảnh báo của bệnh. Sốt cao không thể hạ là dấu hiệu cảnh báo bệnh nặng.
Hình ảnh bệnh tay chân miệng ở trẻ
Lưu ý: Sau khi tiếp xúc với nguồn lây bệnh, trẻ sẽ không bị bệnh ngay mà phải mất khoảng từ 3 – 6 ngày các dấu hiệu đặc trưng của bệnh mới xuất hiện. Đây được gọi là giai đoạn ủ bệnh. Trong một số trường hợp, trẻ bị tay chân miệng có thể không có dấu hiệu của bệnh hoặc các triệu chứng xuất hiện rất nhẹ. Điều đó thường khiến bạn chủ quan. Khi phát hiện trẻ mắc bệnh, gia đình nên đưa con đến khám tại các cơ sở y tế, đặc biệt là tại chuyên khoa Truyền nhiễm trẻ em để được tư vấn kỹ hơn về cách chăm sóc, cách phát hiện triệu chứng nặng để có thể đưa trẻ đến y tế kịp thời, tránh hậu quả đáng tiếc
Cách chữa bệnh chân tay miệng hiệu quả nhất
Hiện nay chưa có thuốc đặc trị hay Vaccine phòng bệnh tay chân miệng. Cách điều trị bệnh chủ yếu là điều trị triệu chứng, chăm sóc người mắc tay chân miệng tại nhà và sử dụng các loại thuốc hạ sốt, giảm đau, bù đủ nước cho cơ thể theo hướng dẫn của Bác sĩ.
Bệnh tay chân miệng ở trẻ em
Một số cách mà bạn có thể làm nhằm giảm triệu chứng tay chân miệng ở trẻ tại nhà là:
- Nếu bé bị sốt nhẹ (<38 độ) thì ba mẹ vẫn có thể dùng các loại thuốc hạ sốt thích hợp cho trẻ.
- Cho bé ăn thức ăn lỏng, uống nhiều nước hoặc sữa đã được làm mát hoặc làm lạnh. Việc này giúp con tránh bị đau họng khi nuốt và tránh mất nước. Nước lạnh hoặc sữa là sự lựa chọn lý tưởng cho trẻ mắc bệnh này. Nếu bé khó nuốt, bạn hãy chia nhỏ khẩu phần của bé ra và cho bé ăn từng chút một. Ngoài ra, những thực phẩm lạnh như kem hoặc thạch cũng rất có ích cho trẻ bị bệnh này.
- Tránh cho trẻ ăn thức ăn mặn, cay hoặc chua nếu miệng bé bị tổn thương bởi điều đó có thể khiến các vết loét của trẻ thêm trầm trọng hơn.
- Vệ sinh thân thể cho trẻ sạch sẽ, giữ cho các cùng da bị tổn thương luôn sạch, thoáng.
- Trẻ và người chăm sóc trẻ phải rửa tay thường xuyên và đúng cách.
- Bạn có thể bôi Xanh Methylen lên các vết loét giúp hạn chế tình trạng nhiễm trùng.
- Tuyệt đối không dùng Aspirin cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Aspirin có thể gây ra hội chứng Reye ở trẻ em, một căn bệnh hiếm gặp nhưng có thể gây tử vong.
Lưu ý:
- Trong tuần đầu tiên kể từ khi trẻ xuất hiện các dấu hiệu của bệnh, trẻ sẽ rất dễ lây cho người khác. Tuy nhiên, virus gây bệnh vẫn có thể lây truyền trong vài tuần sau đó. Ba mẹ hoàn toàn có nguy cơ lây bệnh từ con.
- Nếu trẻ xuất hiện bất kỳ dấu hiệu hoặc triệu chứng mất nước nào như da khô, môi khô, giảm cân, suy nhược hoặc tiểu rất ít hoặc không tiểu tiện trong suốt 6 giờ, bạn cần đưa trẻ đến bệnh viện ngay để có biện pháp bù nước thích hợp.
- Ngoài ra, bạn cần đưa trẻ đến bệnh viện ngay nếu bé có biểu hiện sốt cao
Dấu hiệu khỏi bệnh chân tay miệng
Thông thường những vết mụn nước sẽ tự biến mất sau 1 - 2 tuần. Khi những vết mụn nước se lại và dần biến mất hẳn nghĩa là bé sắp khỏi bệnh.
Thời gian lui bệnh thường từ 3 - 5 ngày sau, trẻ sẽ hồi phục hoàn toàn nếu không có biến chứng. Như vậy gần như là bé đã khỏi bệnh, bạn nên mua râu ngô (bắp) hoặc một số loại nước rau quả giải nhiệt khác cho bé uống.
Các biện pháp bảo vệ phòng tránh nhiễm bệnh tay chân miệng
Bệnh tay chân miệng ở trẻ em
Hiện nay, không có vaccine phòng bệnh tuy nhiên bố mẹ có thể làm giảm nguy cơ bị nhiễm các loại virus gây bệnh tay chân miệng bằng những cách đơn giản sau đây:
- Rửa tay thường xuyên với xà phòng trước khi chuẩn bị thức ăn, ăn uống, cho trẻ nhỏ ăn, sử dụng nhà vệ sinh, sau khi thay tã/bỉm cho trẻ
- Hướng dẫn trẻ cách chăm sóc răng miệng hiệu quả
- Làm sạch các vết bẩn, các dụng cụ đồ chơi bằng xà phòng hay dung dịch sát khuẩn. Sử dụng xà phòng để làm sạch các vật dụng, khử trùng bằng các chất tẩy rửa thông thường.
- Tránh ôm, hôn, dùng chung quần áo, đồ dùng cá nhân với trẻ nhiễm bệnh.
- Khi trẻ bệnh, tránh cho trẻ tiếp xúc nơi đông người như đi nhà trẻ, trường học.
- Hướng dẫn trẻ che miệng và mũi khi hắt hơi, ho.
- Lựa chọn chế độ ăn uống lành mạnh đầy đủ dưỡng chất cần thiết cho trẻ để tăng cường sức đề kháng phòng ngừa dịch bệnh hiệu quả
- Theo dõi tình trạng bệnh và chăm sóc y tế kịp thời. Nếu trẻ có các biểu hiện bất thường như sốt cao, li bì, mất tỉnh táo cần nhập viện ngay lập tức.
Tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm có thể điều trị tại nhà theo phác đồ của Bác sĩ. Bệnh thường tự khỏi sau 7 – 10 ngày mà không gây ra nhiều nguy hiểm cho trẻ. Tuy nhiên, nếu không phát hiện sớm, chữa trị kịp thời, bệnh tay chân miệng ở trẻ em có thể dẫn đến một số biến chứng nghiêm trọng khác. Vì vậy, bố mẹ cần đưa trẻ thăm khám càng sớm càng tốt khi có các dấu hiệu bất thường.
Trong mùa dịch, khi nghi ngờ dấu hiệu trẻ nhiễm bệnh bố mẹ nên đưa trẻ đến bệnh viện để thăm khám. Mẹ Khỏe Con Thông Minh rất mong cung cấp được những thông tin bổ ích giúp bảo vệ mẹ và con luôn mạnh khỏe, phát triển đầy đủ.
----------------------------------------------------------------
Mẹ Khỏe Con Thông Minh: Shop Mẹ và Bé Hàng Đầu Việt Nam
Website: https://mekhoeconthongminh.com/
Số điện thoại: 0942.666.800
Email: cskh@mekhoeconthongminh.com
Địa chỉ: Tầng 3, Tòa nhà 24T3 Thanh Xuân Complex, Số 6 Lê Văn Thiêm, Thanh Xuân Trung, Thanh Xuân, Hà Nội