Uống Nước Và Ngộ Độc Nước Uống Ở Trẻ Nhũ Nhi Bạn Cần Phải Biết

Uống Nước Và Ngộ Độc Nước Uống Ở Trẻ Nhũ Nhi Bạn Cần Phải Biết

Uống nước và ngộ độc nước uống ở trẻ nhũ nhi (trẻ dưới 1 tuổi) - kiến thức cần biết của bất kỳ bậc phụ huynh nào khi có con nhỏ

Ngộ độc nước uống ở trẻ nhũ nhi là một tình trạng trẻ nhũ nhi (dưới 1 tuổi), khi bị cho uống quá nhiều nước lọc trong một thời gian ngắn, trở nên “ngộ độc nước”, và có thể gây nguy hiểm đến tính mạng của trẻ. Có nhiều nguyên nhân đang được tìm hiểu, tuy nhiên, nguyên nhân người ta thấy đóng một phần rất quan trọng là sự chưa trưởng thành của thận của trẻ ở độ tuổi này. Khi trẻ lớn, từ 1 tuổi trở lên, trẻ uống nước lọc nhiều, sẽ thải nước lọc dơ bằng cách tè ra nước lọc. Ở trẻ dưới 1 tuổi, vì thận chưa trưởng thành, nên khi uống nhiều nước lọc, trẻ không chỉ tè ra nước lọc không, mà thải luôn một số chất điện giải quan trọng trong người trẻ, trong đó quan trọng nhất là Natri. Trong khi đó, nguồn năng lượng và dưỡng chất chính yếu mà trẻ nhận được từ sữa mẹ, sữa công thức lại chỉ cung cấp đủ Natri căn bản cho cơ thể. Vì vậy, xảy ra hiện tượng mất cân bằng Natri, cơ thể bị hạ Natri, gây tổn thương các tế bào và có thể gây phù não. Biểu hiện của hiện tượng hạ Natri máu do ngộ độc nước uống sẽ là: trẻ lừ đừ, quấy khóc, phù nề người, ngủ liên miên, hạ thân nhiệt và co giật.

Ngộ độc nước uống ở trẻ nhũ nhi

Hiện tượng này phổ biến đến mức nào, để chúng ta còn biết xem mình nên lo sợ đến mức nào chứ nhỉ?

  1. Ở Việt Nam: kinh nghiệm cá nhân: không ghi nhận một ca nào cả. Y văn ở Việt Nam cũng chưa thấy ghi nhận trường hợp nào.
  2. Ở Úc: một ca duy nhất ghi nhận trong lịch sử y khoa của Úc, vào giữa năm 2014. Trong ca bệnh này, bé được 6 tháng tuổi, và mẹ bé, vì không có sữa mẹ, cũng không đủ tiền mua sữa công thức cho bé, nên cho bé uống nước trái cây để cung cấp năng lượng cho con
  3. Ở Hồng Kong: nghiên cứu y văn ghi nhận một ca vào năm 2002, ở bé 7 tháng tuổi. Bé bị viêm đường hô hấp trên, và một ngày trước khi xảy ra triệu chứng ngộ độc nước, bé được mẹ cho uống 90ml sữa và 1800ml nước lọc.
  4. Ở Mỹ: Đây là nước có nhiều ca ngộ độc nước nhất được báo cáo, đặc biệt là trong thập niên 90 và gần như tất cả các thông tin khuyến cáo cho ba mẹ về tình trạng này, online, đều “made in USA”! Bài báo cáo của bệnh viện Wilkinson trong 10 năm, từ 1987 đến 1997, có tổng cộng 25 trường hợp ngộ độc nước. Trong đó, nguyên nhân khá phổ biến là ba mẹ không đủ tiền mua sữa cho con, hoặc được trợ cấp sữa công thức từ chính phủ không đủ, nên tự pha loãng sữa ra để tiết kiệm tiền. Trường hợp tử vong gần đây nhất là ở một bé 10 tuần tuổi, vào nửa đầu năm 2015, khi bé bị mẹ pha loãng sữa mẹ ra cho uống vì thiếu sữa mẹ cho con, mà ba mẹ lại không mua được sữa công thức để bé bú thêm, vì nguyên nhân kinh tế.

Hiện nay, vẫn chưa có một hướng dẫn nào cụ thể để giúp ba mẹ biết nên cho trẻ nhũ nhi uống bao nhiêu nước là an toàn. Một số hướng dẫn từ chính phủ các bang, cũng như các tổ chức y tế, cũng khá khác nhau về lượng nước an toàn khuyến cáo. Báo cáo chuỗi ca bệnh từ bệnh viện Wincousin cho thấy, những trường hợp ngộ độc nước điều trị tại bệnh viện, trẻ bị cho uống khoảng 260ml cho đến 540ml nước uống trong một thời gian ngắn, và thường biểu hiện triệu chứng ngộ độc nước và co giật khoảng 90 phút đến 48 tiếng sau đó.

Cho con uống nước lọc các bạn nhớ lưu ý nhé

Đối với trẻ dưới 6 tháng tuổi:

Đồng thuận chung có thể thấy là việc khuyến cáo không nên cho trẻ dưới 6 tháng tuổi uống nhiều nước.

Trẻ bú mẹ hoàn toàn không cần uống nước thêm, vì việc uống nước thêm, ngoại trừ nguy cơ ngộ độc nước kể trên, còn có một tác dụng khác không mong muốn là giảm thèm ăn của trẻ, trẻ giảm bú mẹ, và có thể làm giảm sản xuất sữa từ mẹ. Đồng thời, trẻ có thể không được cung cấp đủ nhu cầu năng lượng giảm bú.

Trẻ uống sữa công thức, có một số khuyến cáo có thể uống thêm chút nước, nhưng cũng quan tâm đến vấn đề giảm thèm ăn, giảm cung câp năng lượng cần thiết cho trẻ.

Nếu muốn cho trẻ uống nước, bạn có thể cho trẻ uống tối da 60ml nước một ngày mà thôi, và thường khuyến cáo khi trẻ lớn hơn xíu, từ 4 tháng tuổi trở lên.

Khi trời nóng, ba mẹ thường nghĩ con cần uống nước thêm, nhưng khuyến cáo hiện nay là, lượng nước trong sữa mẹ hoặc sữa công thức cũng đã đủ cung cấp cho trẻ rồi. Nếu muốn cho bé uống thêm nước, ba mẹ có thể cho trẻ bú mẹ thêm, hoặc bú bình sữa thêm.

Đối với trẻ 6-12 tháng:

Lúc này, trẻ bắt đầu ăn dặm được, bạn có thể cho trẻ uống nước thêm.

Lúc này, việc cho trẻ uống một lần khoảng 60ml nước sau bữa ăn là phù hợp, và có thể không ảnh hưởng đến vấn đề ăn, bú của trẻ. Tổng lượng nước uống có thể lên đến 120ml đến 240ml một ngày, tùy theo nhu cầu của trẻ.

Cũng ở độ tuổi này, bạn nên tập cho trẻ uống nước bằng ly, và để trẻ tự uống theo nhu cầu của mình.

Khi trẻ bệnh, và có nguy cơ mất nước ( như sốt cao, tiêu chảy):

Lúc này, việc cho trẻ uống nước để giảm nguy cơ mất nước là không hợp lý, vì nước uống không có bất kì chất điện giải nào cho trẻ cần trong giai đoạn bệnh cả, và có thể gây mất cân bằng điện giải thêm. Vì vậy, thay vì cho bé uống nước, ba mẹ nên cho trẻ bù nước bằng việc bú mẹ hoặc bú bình. Nếu có bù nước điện giải, nên đánh giá và tư vấn chính xác từ bác sĩ của trẻ.

Uống nước “tráng miệng”?

Một số ba mẹ quan tâm hỏi về việc cho trẻ dưới 6 tháng uống xíu nước, đặc biệt theo niềm tin “tráng sạch miệng” của ông bà. Theo ý kiến cá nhân, đây là một chuyện không có gì to tát cả, miễn là nước nấu chín, và dụng cụ đựng, đút cho bé được vệ sinh sạch sẽ.

TÓM LẠI

Ngộ độc nước là một tình trạng hiếm gặp, nhưng nên nhận viết biết vì có thể nguy hiểm cho trẻ.

Trẻ dưới 6 tháng không có nhu cầu uống nước thêm, vì đã được cung cấp đủ qua sữa mẹ và sữa công thức rồi. Ngay cả khi bạn nghĩ trẻ cần thêm nước, vì trời nóng, hoặc trẻ bệnh, bạn có thể bù thêm nước bằng cách cho trẻ bú mẹ hoặc bú sữa công thức thêm. Còn nếu vẫn muốn cho uống nước nữa, thì tối đa 60ml nước một ngày thôi nhé, và nên đợi trẻ lớn lớn, khoảng 4 tháng tuổi hẵng làm, vì làm quá sớm có thể làm trẻ giảm thèm ăn, giảm bú.

Trẻ trên 6 tháng có thể cho uống nước thêm sau ăn dặm, tùy theo nhu cầu của trẻ, một lần khoảng 60ml, tối đa 120-240 ml một ngày

Không bù mất nước bằng nước lọc. Nên cho trẻ bú thêm nước bằng cách bú mẹ hoặc bú sữa công thức thêm. Chỉ dùng bù dịch điện giải khi có hướng dẫn và quyết định của bác sĩ mà thôi

Nguồn tham khảo

  1. Water Intoxication; luosian Government, USA, February, 2011.
  2. Water Intoxication in infants; Health Department of Northwest Michigan, May, 2015
  3. Nutrition Guideline- Healthy infants and young children – Water; Alberta Health Services; November, 2011.
  4. Water intoxicantion in a 7 month infant; KC Wong, DKK Ng; Hong Kong Journal of Peadiatrics; 7:165-168, 2002
Nguyễn Thị Thùy
“Đi khắp thế gian không ai tốt bằng mẹ Gánh nặng cuộc đời không ai khổ bằng cha” Là một người mẹ, hơn ai hết, mình luôn thấu hiểu sự quan tâm, lo lắng của bậc cha mẹ đối với con cái, luôn mong muốn những điều tốt đẹp nhất cho con. Vì thế, bằng những kinh nghiệm lâu năm trong việc chăm sóc con, mình xin chia sẻ toàn bộ những kiến thức về nuôi dạy con, từ khi mang thai đến lúc trưởng thành. Hy vọng phần nào sẽ giúp các bạn nuôi dạy con một cách dễ dàng và nhẹ nhàng hơn, mẹ khỏe con thông minh. Xin cảm ơn!