Trẻ Ra Nhiều Mồ Hôi Ở Đầu Và Lưng Có Sao Không? Bố Mẹ Nên Làm Gì?
Bạn đang lo lắng khi thấy trẻ ra nhiều mồ hôi ở đầu và lưng? Bạn băn khoăn không biết triệu chứng này có nguy hiểm không? Câu trả lời sẽ có ngay trong bài viết sau nhé.
Trẻ ra nhiều mồ hôi ở đầu và lưng là triệu chứng thường gặp ở trẻ dưới 5 tuổi. Tuy không quá nguy hiểm nhưng cha mẹ cũng không được chủ quan vì chúng dễ khiến trẻ mắc các bệnh về đường hô hấp, viêm da, suy dinh dưỡng,…
1. Nguyên nhân khiến trẻ ra nhiều mồ hôi ở đầu và lưng
Thời tiết nắng nóng, oi bức, trẻ chạy nhạy, hoạt động nhiều thì hiện tượng đổ mồ hôi nhiều ở đầu và lưng chỉ là biểu hiện sinh lý bình thường để làm mát cơ thể và điều hòa thân nhiệt. Còn trong trường hợp, trẻ đổ mồ hôi quá mức ở bất cứ môi trường, thời điểm nào thì đây là dấu hiệu bất thường, cảnh báo sức khỏe bé đang gặp vấn đề, cha mẹ cần phải lưu tâm:
Trẻ đang bị thiếu chất dinh dưỡng
Trong trường hợp này thì chủ yếu là do thiếu canxi và vitamin D. Ngoài biểu hiện về đổ mồi hôi nhiều ở đầu và lưng, trẻ còn có biểu hiện biếng ăn, quấy khóc, bứt rứt, trằn trọc khi ngủ, tóc rụng hình vành khăn.
Hệ thần kinh thực vật của trẻ chưa được hoàn thiện, dễ bị rối loạn
Hệ thần kinh thực vật có vai trò chỉ huy tuyến mồ hôi bài tiết. Ở trẻ nhỏ, hệ thần kinh thực vật chưa được hoàn thiện nên trẻ nhạy cảm hơn với các kích thích khiến mồ hôi tiết ra nhiều hơn, đặc biệt là vùng đầu, cổ, trán, lưng.
Do các bệnh lý khác
Hiện tượng trẻ ra nhiều mồ hôi ở đầu và lưng còn có thể do một số bệnh lý khác như: viêm phổi, viêm phế quản, nhiễm trùng, bệnh tim bẩm sinh, cường giáp,…
Trẻ ra nhiều mồ hôi ở đầu và lưng có thể là do thiếu canxi và vitamin D
2. Trẻ ra nhiều mồ hôi ở đầu và lưng có nguy hiểm không?
Ra nhiều mồ hôi ở đầu và lưng không phải là bệnh lý cấp tính nhưng cha mẹ cũng không được chủ quan bởi tình trạng này kéo dài sẽ gây ra nhiều vấn đề về sức khỏe như:
Nhiễm lạnh
Mồ hôi toát ra nhiều làm hạ nhiệt cơ thể, nếu mẹ không kịp lau khô cho trẻ, trẻ dễ bị nhiễm lạnh, gây nên các vấn đề liên quan đến đường hô hấp như: viêm phế quản, viêm phổi, viêm họng, cảm lạnh,…
Mất nước, rối loạn điện giải
Đổ mồ hôi nhiều sẽ kéo theo tình trạng mất nước, mất chất điện giải trong cơ thể khiến trẻ cảm thấy mệt mỏi hơn, cơ thể suy nhược, chóng mặt, buồn nôn, da, khô, rối loạn tiêu hóa,…
Bệnh lý về da
Da trẻ rất dễ nhạy cảm. Mồ hôi tiết ra nhiều kết hợp với bụi bẩn, vi khuẩn, nấm mốc sẽ gây nên các bệnh về ngoài da như: nấm da, viêm da, mụn nhọt, trứng cá,…phát triển.
Trẻ ra nhiều mồ hôi dễ mắc các bệnh lý về da như: viêm da, nấm da
3. Biện pháp khắc phục tình trạng trẻ ra nhiều mồ hôi ở đầu và lưng
Đối với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, việc điều chỉnh lối sống khoa học chính là phương pháp tốt nhất khắc phục tình trạng đổ mồ hôi nhiều. Vì thế, khi gặp tình trạng trẻ ra nhiều mồ hôi ở đầu lưng, bố mẹ cần phải lưu ý các vấn đề sau:
Tạo không gian sinh hoạt thoáng mát
Bố mẹ nên bố trí phòng rộng, không gian thoáng khí, không bài trí quá nhiều đồ đạc trong phòng trẻ. Hãy sử dụng thêm quạt, điều hòa khi thời tiết oi bức.
Khi ngủ, mẹ không cần phải đắp quá nhiều chăn cho trẻ. Thay vào đó, mẹ chỉ cần sử dụng 1 chiếc khăn mềm bởi thân nhiệt của trẻ cao hơn thân nhiệt người lớn.
Thấm khô mồ hôi và vệ sinh da cho bé
Khi thấy trẻ ra mồ hôi nhiều, mẹ cần dùng khăn bông mềm thấm khô mồ hôi cho trẻ để tránh tình trạng trẻ bị cảm lạnh. Ngoài ra, mẹ cần tắm gội sạch sẽ hàng ngày cho bé bằng những loại sữa tắm chuyên dụng để da bé được sạch sẽ hơn, loại bỏ hoàn toàn bụi bẩn, vi khuẩn có hại bám trên da. Lưu ý: Khi chọn sữa tắm gội cho con, mẹ chỉ nên chọn những loại sản phẩm được chiết xuất từ thành phần tự nhiên.
Lựa chọn trang phục phù hợp cho bé
Bố mẹ nên chọn những bộ quần áo rộng rãi, thoáng mát cho bé, được làm từ chất liệu lanh, cotton tự nhiên để có khả năng thấm hút mồ hôi tốt.
Chế độ ăn uống phù hợp
Khuyến khích trẻ uống thêm nhiều nước, ăn nhiều rau xanh, các loại trái cây giàu vitamin và khoáng chất để bổ sung các loại vitamin và khoáng chất cần thiết cho cơ thể.
Ngoài ra, mẹ cần bổ sung các loại thực phẩm giàu canxi và vitamin D cho trẻ như: sữa, trứng, hải sản, rau lá màu xanh đậm,…để cải thiện tình trạng đổ mồ hôi nhiều.
Bố mẹ nên tạo không gian rộng rãi, thoáng mát cho bé để ngăn ngừa tình trạng tiết mồ hôi
4. Khi nào nên đưa trẻ đến bệnh viện khi trẻ ra nhiều mồ hôi ở đầu và lưng?
Đa số các trường hợp trẻ ra nhiều mồ hôi ở đầu và lưng thường không nguy hiểm. Tuy nhiên, nếu bé xuất hiện thêm các triệu chứng sau thì cha mẹ cần đưa bé đến các bệnh viện, cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị kịp thời.
- Trẻ khó thở hoặc thở hổn hển.
- Trẻ mệt mỏi, suy nhược cơ thể.
- Trẻ ngủ ít, ngủ trằn trọc, không ngon, hay giật mình quấy khóc.
- Nôn mửa và tiêu chảy.
- Da mẩn đỏ, nổi phát ban.
Trẻ ra nhiều mồ hôi ở đầu và lưng là nguyên nhân chính gây nên tình trạng thiếu hụt canxi ở trẻ. Đồng thời khiến trẻ dễ bị cảm lạnh, viêm đường hô hấp. Vì thế, khi thấy tình trạng đổ mồ hôi kéo dài, bố mẹ cần theo dõi con kỹ hơn và nên đưa trẻ đến bệnh viện để thăm khám kịp thời.