Cách Đối Phó Với Khủng Hoảng Tuổi Lên 2 Mà Nhiều Bố Mẹ Chưa Biết?
Khi con lên 2 tuổi, từ một đứa trẻ ngoan ngoãn, con bạn bỗng trở nên bướng hơn, ăn vạ nhiều hơn mà không hiểu rõ nguyên do. Vậy lúc này ba mẹ cần làm gì để cùng con bước qua khủng hoảng tuổi lên 2 thật nhẹ nhàng? Cùng tìm hiểu rõ hơn về "khủng hoảng tuổi lên 2" ở bài viết dưới đây.
Theo các chuyên gia tâm lý, ở bất cứ độ tuổi nào trẻ đều có thể gặp phải những cuộc khủng hoảng tâm lý. Có điều chúng sẽ khác nhau về mức độ và cách biểu hiện. Tuổi lên 2 là giai đoạn trẻ đang có những bước phát triển cả về não bộ và thể chất và cũng là lúc trẻ có những thay đổi về tâm lý mạnh mẽ.
Tại sao nói khủng hoảng tuổi lên 2?
Khủng hoảng tuổi lên 2 là gì?
Khủng hoảng tuổi lên 2 dùng để mô tả những thay đổi trong tâm lý tính cách của trẻ từ 18 tháng tuổi (hoặc có thể sớm hơn tùy theo mức độ phát triển từng bé) cho đến 3 tuổi.
Có thể nói, đây là một trong những giai đoạn khiến ba mẹ cảm thấy bất ngờ với những thay đổi của con và đôi khi đó là những cảm giác khó chịu.
Em bé của ba mẹ, từ một bé rất ngoan ngoãn, ăn ngon, ngủ ngoan, thi thoảng làm ba mẹ cảm thấy bất ngờ đến hạnh phúc vì những điều em mới học được mà bỗng giờ đây trở nên rất "hư". Bé hay ăn vạ, nói "không" với những yêu cầu, chăm sóc của ba mẹ, thậm chí là la hét, quẫy đạp, quấy khóc khi không được đáp ứng theo ý muốn của mình. Điều đó khiến ba mẹ không khỏi phiền lòng, mệt mỏi.
Khủng hoảng tuổi lên 2 bắt đầu khi nào?
Tuy nhiên ba mẹ cũng không cần quá lo lắng. Đây là một mốc phát triển bình thường của con cũng như rất nhiều đứa trẻ khác trong độ tuổi này. Ở giai đoạn này, trí não bé dần dần phát triển hoàn thiện. Bé bắt đầu có những mong muốn, đòi hỏi, thích khám phá. Các bé có suy nghĩ rằng bất cứ điều gì mình muốn cũng có thể làm được như leo trèo, đùa nghịch, chơi với vật nguy hiểm, bỏ ăn uống… Và cũng chính vì chưa có đầy đủ nhận thức cũng như các kỹ năng, nên bé chỉ biết gào khóc, ăn vạ, thể hiện thái độ phản kháng tiêu cực để khẳng định ý kiến của mình khi không được thỏa mãn.
Khi gặp phải tình huống này, một số ba mẹ chọn cách chiều lòng, đáp ứng hết các yêu cầu của con. Hành động này sẽ chỉ thỏa mãn bé tạm thời, và nếu cứ được đáp ứng ngay khi có nhu cầu sẽ hình thành tiền đề xấu khiến con có những đòi hỏi quá quắt hơn sau này.
Trong khi một số ba mẹ khác lại chọn cách phản ứng tiêu cực, quát mắng hay thậm chí là dùng bạo lực trước những hành động của con. Cách này không những không đem lại hiệu quả giáo dục mà thậm chí để lại những hệ quả tiêu cực khó lường đến tâm lý và sự phát triển của con.
Những biểu hiện của khủng hoảng tuổi lên 2
Khủng hoảng tuổi lên 2 và cách khắc phục
Tỏ ra khó chịu, gào khóc khi người lớn không hiểu ý
- Bé cảm thấy bực tức nên ra sức gào, khóc khi ba mẹ, người lớn không hiểu được bé muốn gì. Đôi khi đó chỉ vì một lý do nhỏ bé: Bé muốn uống nước nhưng khi mẹ cho bé uống thì bé gào khóc, chỉ vì chiếc cốc mẹ đưa màu xanh, không phải là chiếc cốc màu hồng mà bé muốn.
Đá, cào cấu, cắn hoặc đánh những người xung quanh
- Giai đoạn này, vốn từ ngữ cũng như khả năng kiểm soát cảm xúc của bé vẫn đang trong giai đoạn phat triển nên bé dễ bị xúc động và bùng phát cảm xúc bằng hành động đá, cắn, đánh người khác. Thái độ này càn được can thiệp đúng cách, kịp thời để ngăn chặn những thói quen không tốt về sau.
Dễ tức giận một cách vô cớ
- Một trong các dấu hiệu khiến ba mẹ cảm thấy mệt mỏi nhất trong thời kỳ khủng hoảng tuổi lên 2 của bé đó là những cơn giận dữ nơi công cộng. Bé đẽ dàng nổi cáu, ăn vạ, không kiềm chế được cảm xúc trước mọi người.
Bắt đầu nói “không” nhiều hơn
- Đôi lúc trẻ sẽ làm bạn bối rối khi bày tỏ “không” một cách vô nghĩa trong nhiều tình huống, ví dụ như khi bạn đưa cho bé đồ ăn vặt, đồ chơi yêu thích, chúc bé ngủ ngon…
Bảo vệ quyền sở hữu
- Ở giai đoạn này, trẻ đang tìm hiểu khái niệm về sự sở hữu. Do đó, bé sẽ trở nên nhạy cảm với “lãnh thổ” của mình và sẵn sàng phản ứng lại, thậm chí là đánh nhau với mọi người nếu cảm thấy “lãnh thổ” của mình bị xâm phạm ngay cả khi đó chỉ là một chiếc ghế bé ngồi ăn cơm hay chỗ nằm ngủ trên giường.
Cách ba mẹ đối phó với khủng hoảng tuổi lên 2
Chế ngự cơn ăn vạ của khủng hoảng tuổi lên 2
Sự khéo léo trong từng tình huống ứng xử với trẻ vừa giúp ba mẹ chế ngự biểu hiện ăn vạ vừa giúp trẻ hiểu ra rằng “không phải cứ cái gì muốn là được”.
Cách đối phó với khủng hoảng tuổi lên 2
Luôn giữ bình tĩnh với trẻ
- Mặc dù đang rất "điên máu" với cách xử sự ăn vạ của con nhưng không vì vậy mà ba mẹ lại nóng giận, quát mắng con. Điều cần làm là tạm "nuốt" cơn giận vào trong, để trẻ một mình. Trong khi đó, mẹ ngồi gần và làm việc khác nhưng vẫn dành sự quan tâm cho trẻ, chỉ là trẻ không cảm nhận được. Mẹ cần giữ thái độ bình thản và vui vẻ và lờ đi sự cáu giận của con.
- Đừng nghĩ mẹ cáu giận quát mắng con mà sẽ khiến bé sợ và thôi gào thét. Điều đó chỉ làm cho bé có những lần ăn vạ khác với mức độ tăng lên bởi bộ não trẻ đang tiếp nhận, sao chép toàn bộ những gì mà ba mẹ đã hành xử với trẻ.
- Ba mẹ càng bình thản bao nhiêu thì khả năng trẻ sớm “bình thường trở lại” càng nhanh bấy nhiêu. sự thủ thỉ giải thích sẽ là phương pháp kỳ diệu xoa dịu những đứa trẻ, hơn nữa còn giúp gắn kết tình cảm ba mẹ với con cái. Nếu ba mẹ vì xót con, sợ khóc lâu sẽ khan tiếng, sợ con đói… thì trẻ đã thắng. Bởi vì trẻ không phải vì đau mà khóc, chỉ là đang ăn vạ thôi.
Nói chuyện, chỉ bảo khi trẻ bình tĩnh
- Khi trẻ đang ở trong cơn ăn vạ, không đưa ra bất kỳ bình luận hay những lời quát mắng nào mà nên chờ đến khi trẻ hết giận, bạn mới bắt đầu nói chuyện và bình thường hóa quan hệ như chưa từng có chuyện gì xảy ra. Sau vài lần lặp lại như thể trẻ sẽ tự hiểu là cơn ăn vạ của mình không hề hiệu quả mà chỉ tự làm mình mệt hơn. Trẻ sẽ dần thay đổi cách hành xử.
Không kẻ đấm người xoa
- Qua trình giáo dục trẻ, cần có sự thống nhất quan điểm của mọi thành viên trong gia đình. Nếu như mẹ làm lơ nhưng ba thì lại dỗ dành hay ba mẹ đang nghiêm khắc thì ông bà lại bênh. Điều này chỉ tạo thêm cơ hội cho trẻ mè nheo hơn mà thôi.
Không chiều theo mọi ý muốn của trẻ
- Khi trẻ la hét, ăn vạ vì không được đáp ứng yêu cầu, không được mẹ mua cho món đồ chơi bé thích, ba mẹ nên bình tính quan sát, đánh lạc hướng trẻ với những đồ vật hành động khác. Nếu trẻ vẫn quá ương bướng thì không nên quá dỗ dành, có thể mặc kệ trẻ nhưng vẫn âm thầm để ý, cho đến khi trẻ tự bình tĩnh trở lại.
Khủng hoảng tuổi lên 2 kéo dài bao lâu?
Thật khó có thể đưa ra thời điểm chính xác khi nào khủng hoảng tuổi lên 2 sẽ kết thúc. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, khủng hoảng tuổi lên 2 sẽ giảm bớt khi trẻ hiểu rõ hơn về các quy tắc xử sự và cũng biết cách truyền đạt những gì mình muốn với người khác.
Ba mẹ không cần quá lo lắng bởi trong giai đoạn này, bé cần nhận được sự quan tâm nhiều hơn và cũng là lúc để thiết lập mối quan hệ gắn bó hơn của trẻ với gia đình.
Trên đây là những chia sẻ đến ba mẹ về khủng hoảng tuổi lên 2. Hy vọng rằng, cho dù giai đoạn này của con yêu có khiến ba mẹ mệt mỏi nhưng ba mẹ hãy nhớ rằng những hành động của bé không phải là sự thách thức hay phản khắng mà chỉ là biểu hiện của sự phát triển sự độc lập và học cách thể hiện sự thất vọng của con mà thôi. mong rằng những thông tin mà Mẹ khỏe con thông mình đem đến sẽ giúp ba mẹ đối phó và cùng con vượt qua khủng hoảng tuổi lên 2 một cách nhẹ nhàng nhất.
----------------------------------------------------------------
Mẹ Khỏe Con Thông Minh: Shop Mẹ và Bé Hàng Đầu Việt Nam
Website: https://mekhoeconthongminh.com/
Số điện thoại: 0942.666.800
Email: cskh@mekhoeconthongminh.com
Địa chỉ: Tầng 3, Tòa nhà 24T3 Thanh Xuân Complex, Số 6 Lê Văn Thiêm, Thanh Xuân Trung, Thanh Xuân, Hà Nội