Canxi Và Vitamin D Cho Trẻ Nhũ Nhi, Bạn Đã Hiểu Hết Thực Sự

Canxi Và Vitamin D Cho Trẻ Nhũ Nhi, Bạn Đã Hiểu Hết Thực Sự

Vitamin D là một vitamin rất quan trọng. Vitamin D đóng vai trò chính đảm bảo đủ Canxi và Phosphate cho quá trình tạo xương, kéo dài xương, giúp xương chắc khỏe, và bồi dưỡng cho xương vững chắc lâu dài

“Bác sĩ ơi, con em bị thiếu Canxi không vậy?”. Đây là câu hỏi khá thường gặp ở các phụ huynh. Đổ mồ hôi nhiều – có thiếu Canxi không? Bé rụng tóc xíu – có thiếu Canxi không?! Bé quấy, khó ngủ - có thiếu Canxi không? Bé ăn ít, chậm đứng, chậm ngồi, chậm đi, chậm mọc răng (theo “chuẩn” của ba mẹ và ông bà!) – có thiếu Canxi không?

Tóm lại, Canxi có vẻ rất quan trọng. Nhưng thật ra, câu hỏi nhìn đơn giản vậy, nhưng ba mẹ ông bà lại hoàn toàn sai nhé! Sai từ danh xưng lẫn mệnh đề, lẫn cách lo lắng!

Câu hỏi chính xác hơn là “Bác sĩ ơi, con em có bị thiếu VITAMIN D không vậy?”

Câu hỏi thật sự chính xác và hoàn chỉnh, mà từ đây ba mẹ, nhất là mẹ bé, nên đặt ra cho các bác sĩ là: “Bác sĩ ơi, EM và CON EM có bị thiếu VITAMIN D không?”

Mẹ và bé có thiếu Vitamin D không?

Tại sao chúng ta lại nên học câu thần chú này và tại sao câu hỏi cần hỏi lại chẳng có chút xíu gì về Canxi mà lại toàn về Vitamin D vậy? Chúng ta hãy cùng nhau tìm hiểu nhé!

Người ta thấy rằng, nhu cầu Canxi cơ bản của trẻ nhũ nhi trong sáu tháng đầu tiên chỉ khoảng 200mg Canxi một ngày mà thôi. Trong giai đoạn 7-12 tháng tuổi, lượng nhập Canxi cần thiết cho trẻ là 260mg một ngày. Nếu trẻ được bú sữa mẹ, hoặc sữa công thức hoàn toàn trong 6 tháng đầu đời, và sau đó được cho ăn dặm kèm theo bú mẹ hoặc uống sữa công thức trong 6 tháng sau đó, sẽ cung cấp đủ Canxi cần thiết cho cơ thể trẻ. Hiện nay, chưa có bằng chứng nào cho thấy việc bổ sung thêm Canxi trong năm đầu đời này của trẻ có thể có lợi ích lâu dài về sức khỏe của xương và cơ thể trẻ. Vì vậy, không có khuyến cáo bổ sung thêm Canxi cho trẻ trong 12 tháng đầu đời. Việc bổ sung thêm Canxi và Phosphate trong những tháng đầu đời, chỉ dành xem xét cho những trẻ sinh non rất nhẹ cân, với cân nặng lúc sinh từ 1500 gram (1.5kg) trở xuống, hoặc những trẻ sinh non có nhiều bệnh lý mãn tính đi kèm.

Vitamin D là một vitamin rất quan trọng. Vitamin D đóng vai trò chính đảm bảo đủ Canxi và Phosphate cho quá trình tạo xương, kéo dài xương, giúp xương chắc khỏe, và bồi dưỡng cho xương vững chắc lâu dài. Vitamin D giúp tăng hấp thụ Canxi và Phosphate từ thức ăn. Một người thiếu vitamin D chỉ có thể hấp thụ khoảng 10% số Canxi trong thức ăn. Khi đủ vitamin D, lượng Canxi hấp thụ từ thức ăn lên đến 30%-60% (tăng gấp 3 đến 6 lần). Ngoài vai trò nền móng cho xương, vitamin D còn cho thấy vai trò bảo vệ cơ thể, làm giảm nguy cơ ung thư ruột, bệnh tim mạch, cao huyết áp, đột quỵ, tiểu đường và các vấn đề về miễn dịch ( chống lại nhiễm trùng).

Những lo lắng kể trên, như đổ mồ hôi, rụng tóc, quấy khóc, biếng ăn, chậm mọc răng, đi đứng… hiện nay không còn được y văn trên thế giới nhắc đến nữa, vì những triệu chứng này đại đa số là những triệu chứng sinh lý thường gặp ở trẻ nhũ nhi, và không có ý nghĩa đặc hiệu.

Điều rất cần lưu ý là thiếu Vitamin D ở trẻ đa số rất âm thầm, không gây triệu chứng gì cho đến khi trẻ tăng trưởng nhiều, dài ra, nặng lên. Lúc này, xương bắt đầu phải dài ra nhanh mà lại mỏng manh, không đủ vững để “gánh” cân nặng của cơ thế. Vì vậy, xương bị đau, cong, biến dạng, và có thể dẫn đến bệnh còi xương nếu không được phát hiện và điều trị vitamin D kịp thời. Một số rất nhỏ trẻ thiếu vitamin D nặng có thể gây hại Canxi, gây co giật, nhưng trường hợp này rất hiếm.

Thống kê của Viện Dinh Dưỡng năm 2010 cho thấy tỷ lệ phụ nữ Việt Nam bị thiếu vitamin D là trên 50% kể cả thành thị lẫn nông thôn. Có nghĩa là, cứ 2 người phụ nữ có hơn 1 người bị thiếu vitamin D cần bổ sung. Điều này quan trọng cho chính người phụ nữ, vì thiếu vitamin D đồng nghĩa với tăng nguy cơ loãng xương, gẫy xương và tăng nguy cơ bệnh lý của người lớn ( cao huyết áp, tim mạch, tiểu đường…). Điều này cũng quan trọng cho trẻ, khi mẹ thiếu vitamin D, sẽ không thể “truyền đủ” vitamin D của mẹ cho con trong lúc mang thai, và vì vậy, làm tăng nguy cơ thế vitamin D của trẻ.

Sữa mẹ rất tốt cho trẻ về nhiều mặt, nhưng sữa mẹ lại chứa rất ít vitamin D. Nếu mẹ đủ vitamin D, thì trẻ bú sữa mẹ hoàn toàn chỉ được cung cấp khoảng 1/10- 2/10 nhu cầu vitamin D hàng ngày của trẻ. Ngay cả khi mẹ được bổ sung vitamin D 400IU/ngày trong thời gian cho con bú, thì nồng độ vitamin D trong sữa mẹ vẫn thấp. Nghiên cứu cho thấy, trẻ bú mẹ hoàn toàn khi mẹ uống 400 IU vitamin D một ngày, thì lượng 25(OH) D- vitamin D hoạt hóa – của trẻ nằm trong ngưỡng gần với thiếu hụt nặng.

Nguồn vitamin D có từ tổng hợp dưới da qua tiếp xúc với ánh nắng mặt trời. Vì vậy mới có chuyện cho trẻ tắm nắng. Với trẻ sắc dân da trắng, cần khoảng 5-15 phút tiếp xúc với nắng một ngày, trẻ sắc dân da vàng hoặc da đen cần gấp 3 lần, khoảng 30-45 phút, da càng đen càng phải tiếp xúc dài hơn. Tuy nhiên, thật ra, chúng ta không cần tắm nắng cho trẻ, mà chỉ cần cho trẻ ra ngoài chơi, không che mặt, và tay chân của trẻ. Hiện nay chưa có bằng chứng là nên cho ra nắng bao lâu, lúc nào, mùa nào, để có thể đáp ứng đủ nhu cầu cho trẻ mỗi ngày.

Nguồn vitamin D ở thức ăn thường có từ các loại cá có dầu, như cá hồi, cá mòi, cá thu, các cơ quan (gan, cật, não, dạ dày…), lòng đỏ trứng… NHững thức ăn này thường không được trẻ nhỏ ăn thường xuyên, vì vậy, việc bổ sung vitamin D trở nên cần thiết ở những trẻ không được tiếp xúc nhiều với ánh nắng mặt trời.

Khuyến cáo hiện nay ở Úc, người ta cho trẻ vào nhóm nguy cơ thiếu vitamin D nếu:

- Trẻ sinh non dưới 37 tuần tuổi thai

- Trẻ có cân nặng lúc sinh <2kg

- Trẻ da sậm màu ( da vàng hoặc da đen), ngay cả khi mẹ có đủ lượng vitamin D trong thai kỳ.

- Trẻ có mẹ bị thiếu vitamin D trong lúc mang thai

- Trẻ có mẹ có nguy cơ thiếu vitamin D trong thai kỳ nhưng không được thứ và điều trị

Bạn cần phải biết con mình có thiếu vitamin D không nhé

Đối với nhóm trẻ có bất kỳ một nguy cơ nào kể trên, trẻ sẽ được bắt đầu thường qui bổ sung vitamin D từ vài ngày đầu sau sinh cho đến khi trẻ được 1 tuổi. Liều khiến cáo hiện nay là 400IU vitamin D mỗi ngày, đây là liều căn bản cần cho trẻ nhũ nhi.

Hội đồng nhi khoa Hoa Kỳ (AAP) và Trung tâm y khoa Hoa Kỳ (Institute of Medicine) hiện nay đồng thuận khuyến cáo bổ sung vitamin D liều 400IU/ngày cho TẤT CẢ CÁC TRẺ BÚ MẸ, bắt đầu trong vài ngày sau sinh, và đồng thời bổ sung vitamin D 400IU/ngày cho mẹ đang cho con bú.

Tuy nhiên, một vấn đề vấp phải trong thực hành khuyến cáo bổ sung vitamin D mỗi ngày cho trẻ, là việc tuân thủ bổ sung mỗi ngày không đồng bộ, và chỉ có khoảng tối đa 19% trường hợp gia đình tuân thủ tốt mà thôi. Vì vậy, các nhà khoa học đặt ra câu hỏi là, liệu chúng ta có thể tăng bổ sung vitamin D mỗi ngày cho mẹ, để tăng lượng vitamin D cung cấp cho trẻ qua sữa mẹ được hay không? Vì người ta thấy rằng khi mẹ uống vitamin D liều cao, thì nồng độ vitamin D trong sữa mẹ sẽ tăng. Liều mẹ uống càng cao, vitamin D trong sữa mẹ càng cao.

Nghiên cứu gần đây nhất về vấn đề này được xuất bản trong tạp chí nhi khoa – Paediatrics vào tháng 10, 2015, cho thấy, khi mẹ uống vitamin D3 liều cao, 6400IU/ngày, mỗi ngày, trong 6 tháng đầu cho trẻ bú mẹ hoàn toàn, thì nồng độ vitamin D trong sữa mẹ sẽ đủ để cung cấp trực tiếp cho trẻ mà không cần bổ sung vitamin D thêm cho trẻ. Nghiên cứu này cũng cho thấy không có phản ứng phụ nào hoặc nguy cơ gây hại đến sức khỏe của mẹ với liều lượng cao vitamin D bổ sung trong 6 tháng nghiên cứu. Tuy nhiên, hiện nay vẫn chưa thấy có khuyến cáo chính thức nào về thực hành này, vì vậy, chúng ta nên chờ để được cập nhật thêm trong tương lai.

Ở trẻ bú sữa công thức hoàn toàn, khuyến cáo bổ sung vitamin D thường không áp dụng, do sữa công thức thường có lượng vitamin D bổ sung cao. Tuy nhiên, vấn đề này vẫn còn đang tranh cãi, vì ngày càng có nhiều trường hợp còi xương, thiếu vitamin D nặng ở những trẻ được cho uống sữa công thức hoàn toàn từ nhỏ.

Đối với sản phụ, hiện nay, có khuyến cáo nên thử nồng độ vitamin D, đặc biệt khi bắt đầu có thai, để có thể nhận biết tình trạng thiếu vitamin D để bổ sung đủ, mang lại lợi ích rất lớn cho cả mẹ và trẻ lâu dài. Với con số thống kê kể trên ở phụ nữ Việt Nam, việc thử nồng độ vitamin D cho mẹ càng là một việc nên làm. Các loại thuộc bổ multivitamin cho mẹ bầu thật sự không chứa đủ lượng vitamin D cần thiết để điều trị, và vì vậy, nhiều phụ nữ sẽ cần bổ sung vitamin D riêng kèm theo thuốc multivitamin đã có. Việc thử vitamin D ở trẻ nhỏ không được khuyến cáo sử dụng, vì không phản ánh đúng trữ lượng vitamin D của trẻ, và không có giá trị sử dụng trong điều trị bảo vệ.

Vì vậy, đối với chúng ta, có thể thấy nếu áp dụng các khuyến cáo kể trên thì:

- Không cần bổ sung Canxi cho trẻ bú mẹ hoặc bú bình, vì bé đã được cung cấp đủ nhu cầu canxi trong năm đầu tiên qua sữa mẹ hoặc sữa công thức, và qua ăn dặm kèm theo sau 6 tháng tuổi.

- Trẻ được bú mẹ hoàn toàn nên được cho bổ sung vitamin D3, 400IU mỗi ngày cho đến khi trẻ đưuọc 1 tuổi, hoặc cho đến khi trẻ được chuyển sang bú sữa công thức hoàn toàn – thời điểm nào đến trước thì tính thời điểm đó.

- Không cần phải tắm nắng cho trẻ mỗi ngày, mà chúng ta có thể chỉ cần cho trẻ ra ngoài trơi khi có mặt trời, không che mặt và tay chân của trẻ - tùy thời tiết cho phép.

- Mẹ trong thai kì nên thử nồng dộ vitamin D để quyết định điều trị nếu thiếu vitamin D

- Mẹ trong thời gian cho con bú mỗi ngày nên bổ sung vitamin D 400IU/ngày

Mỗi ngày nên bổ sung vitamin D 400IU/ngày

NGUỒN THAM KHẢO

  1. Vitamin D and Calclum: Updated dietary reference intakes; Health Canada; 2012
  2. Vai trò, ý nghĩa sức khỏe cộng đồng của vitamin D; Viện Dinh Dưỡng VIệt Nam; Cập nhật 11.2014
  3. Vitamin D; Kids Health Info; The Royal Children’s Hospital, Melbourme, Australia
  4. Vitamin D deficiency in neonates; Neonatal chandbook; Department of Health and Human services, Viectoria, Australia
Nguyễn Thị Thùy
“Đi khắp thế gian không ai tốt bằng mẹ Gánh nặng cuộc đời không ai khổ bằng cha” Là một người mẹ, hơn ai hết, mình luôn thấu hiểu sự quan tâm, lo lắng của bậc cha mẹ đối với con cái, luôn mong muốn những điều tốt đẹp nhất cho con. Vì thế, bằng những kinh nghiệm lâu năm trong việc chăm sóc con, mình xin chia sẻ toàn bộ những kiến thức về nuôi dạy con, từ khi mang thai đến lúc trưởng thành. Hy vọng phần nào sẽ giúp các bạn nuôi dạy con một cách dễ dàng và nhẹ nhàng hơn, mẹ khỏe con thông minh. Xin cảm ơn!