Những Điều Bạn Nên Biết Về Bệnh Nhiễm Trùng Máu Ở Trẻ Em
Nhiễm trùng máu ở trẻ em là một căn bệnh nguy hiểm, có tỷ lệ tử vong cao từ 20 – 50%. Vì thế, bạn nên trang bị những kiến thức cần thiết về bệnh để bảo vệ trẻ toàn diện trong những năm tháng đầu đời.
Dưới đây là những kiến thức cơ bản về bệnh nhiễm trùng máu ở trẻ em, ba mẹ hãy tham khảo để có biện pháp phòng ngừa và chữa trị kịp thời nhé.
1. Nhiễm trùng máu ở trẻ em là gì?
Nhiễm trùng máu (hay còn gọi là nhiễm khuẩn huyết) là tình trạng nhiễm trùng cấp tính mức độ nặng ở trẻ. Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ rất dễ bị nhiễm trùng máu vì hệ thống miễn dịch – tuyến “phòng thủ” bảo vệ cơ thể khỏi các tác nhân gây bệnh chưa phát triển hoàn chỉnh, nhất là đối với trẻ sinh non, nhẹ cân.
Nhiễm trùng máu ở trẻ em là căn bệnh vô cùng nguy hiểm. Theo thống kê của bộ Y Tế, trong năm 2011, toàn thế giới có 360.346 trẻ sơ sinh bị tử vong vì nhiễm trùng máu và các bệnh nhiễm trùng khác.
Nhiễm trùng máu là là tình trạng nhiễm trùng cấp tính mức độ nặng ở trẻ
2. Nguyên nhân gây ra bệnh nhiễm trùng máu ở trẻ em
Nhiễm trùng máu có thể xảy ra với bất kỳ trẻ sơ sinh nào, có thể xuất hiện trước, trong và sau khi sinh. Nguyên nhân chủ yếu gây ra bệnh nhiễm trùng máu ở trẻ em là do các loại vi khuẩn như: E coli, Listeria, Streptococcus pneumoniae (phế cầu khuẩn) và một số chủng liên cầu, đặc biệt là liên cầu khuẩn nhóm B (GBS) gây ra. Đa số các trường hợp nhiễm bệnh phải được điều trị tích cực, nguy hiểm nhất là sốc nhiễm khuẩn.
3. Dấu hiệu nhận biết trẻ bị nhiễm trùng máu
Để phát hiện tình trạng nhiễm khuẩn huyết sớm, phụ huynh cần chú ý đến các triệu chứng không bình thường ở trẻ dưới đây:
- Hô hấp: Rối loạn nhịp thở, thở rên, thở nhanh > 60 lần/phút + co kéo, ngừng thở > 15 giây.
- Tim mạch: Nhịp tim nhanh > 160 lần/phút, lạnh đầu chi, thời gian hồng trở lại của da kéo dài > 3 giây, hạ huyết áp.
- Tiêu hóa: Trẻ bỏ bú, bú kém, trướng bụng, nôi ói, tiêu chảy, dịch dạ dày ứ > 2/3 số lượng sữa bơm cử trước.
- Da và niêm mạc: Da tái, nổi vân tím, phát ban, xuất huyết.
- Thần kinh: Giảm hoặc tăng trương lực cơ, dễ bị kích thích, giảm phản xạ, co giật, thóp phồng, hôn mê.
- Huyết học: Tụ máu dưới da, tử ban, gan lách to, xuất huyết nhiều nơi.
- Thực trạng cơ thể: Sụt cân không rõ nguyên nhân.
Ngoài ra, khi trẻ bị nhiễm trùng máu chúng còn có các dấu hiệu cơ bản sau:
- Sốt cao trên 38 độ C hoặc thân nhiệt hạ xuống mức dưới 35 độ C.
- Buồn ngủ, ngủ li bì, chán ăn, bỏ bú, quấy khóc nhiều.
- Da xanh xao, nhợt nhạt như mất máu.
- Xuất hiện nhiều triệu chứng của bệnh viêm phổi, suy hô hấp, hen suyễn, ho, khò khè, khó thở.
- Đi tiểu nhiều lần nhưng tiểu khó, có thể là tiểu ra máu do nhiễm khuẩn đường tiết niệu.
Bệnh nhiễm trùng máu có biểu hiện như: sốt cao, da tái, nổi vân tím, xuất huyết,...
4. Nhiễm trùng máu có chữa được không?
Mặc dù, tỷ lệ tử vong do nhiễm trùng máu là khá cao, nhất là trẻ em có biểu hiện suy đa tạng. Tuy nhiên, bệnh nhân hoàn toàn có thể chữa khỏi được nếu được chuẩn đoán và điều trị kịp thời.
5. Cách điều trị nhiễm trùng máu ở trẻ em
Dùng thuốc kháng sinh
Khi trẻ em xuất hiện các dấu hiệu mắc bệnh nhiễm trùng máu cần phải cho trẻ sử dụng kháng sinh ngay. Để điều trị hiệu quả bệnh, các bác sĩ sẽ phối hợp 2-3 loại kháng sinh tùy theo bệnh cảnh lâm sàng hoặc dựa trên loại vi khuẩn mà trẻ bị nhiễm để sử dụng kháng sinh phù hợp.
- Nếu trẻ chưa được điều trị kháng sinh thì sử dụng Ampicillin với liều 100mg/kg/24 giờ và Gentamicin với liều: 5mg/kg/24 giờ;
- Nếu trẻ đã được điều trị ở tuyến dưới với thuốc trên nhưng không đỡ thì cần phối hợp Tacefoxym với liều 100mg/kg/24 giờ và Amikacin với liều 15mg/kg/24 giờ;
- Khi có kết quả kháng sinh đồ: Trẻ phải được điều trị theo kháng sinh đồ;
Thời gian điều trị kháng sinh là từ 10 – 15 ngày và đến khi có kết quả cấy máu (-) hết các dấu hiệu lâm sàng của bệnh. Trường hợp nhiễm trùng máu có kèm theo viêm màng não mủ thì phải dùng kháng sinh ít nhất là 3 tuần.
Điều trị hỗ trợ
Bên cạnh việc điều trị bằng kháng sinh, trong trường hợp bệnh trở nặng, trẻ cần được nhập viện và cải thiện khả năng hô hấp với máy thở, song song đó là thực hiện các phương pháp dưới đây:
- Chống suy hô hấp;
- Nuôi dưỡng đầy đủ;
- Bù nước, điện giải, giữ thăng bằng toan kiềm nếu có rối loạn;
- Sốc nhiễm khuẩn là biến chứng nguy hiểm nhất của bệnh nhiễm trùng máu do đó, thực hiện chống sốc nếu có.
- Nếu trẻ không bú được hoặc bú kém, hoặc cần phải thở oxy, trẻ sẽ được điều trị ở phòng chăm sóc đặc biệt.
- Tiến hành xử trí cấp cứu trẻ nếu trẻ có biểu hiện rối loạn tuần hoàn, rối loạn thân nhiệt, rối loạn hô hấp, rối loạn đông máu, co giật, viêm màng não mủ, đông máu nội mạch lan tỏa, rối loạn chuyển hóa, rối loạn nước và chất điện giải,…
Khi bị nhiễm trùng máu, trẻ phải dùng thuốc kháng sinh để điều trị
6. Cách chăm sóc trẻ khi bị nhiễm trùng máu
Nhằm chăm sóc trẻ bị nhiễm trùng máu an toàn, hiệu quả, các chuyên gia y tế khuyến cáo các bậc phụ huynh nên thực hiện các cách sau:
- Cho trẻ bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu.
- Cho trẻ uống nhiều nước đối với trẻ lớn.
- Thực hiện chế độ ăn uống khoa học với các loại thực phẩm giàu vitamin và khoáng chất như: rau xanh, trái cây, thịt, cá, trứng, sữa,…để tăng cường hệ miễn dịch cho trẻ.
- Tắm gội sạch sẽ hàng ngày cho trẻ, sát trùng rốn và những nơi dễ bị nhiễm trùng.
- Rửa tay sạch sẽ khi tiếp xúc với trẻ.
- Đảm bảo vệ sinh phòng bệnh sạch sẽ, vô trùng lồng ấp, diệt khuẩn định kỳ.
- Không cho trẻ đến những nơi có người đang bị nhiễm bệnh.
7. Biện pháp ngăn ngừa nhiễm khuẩn máu ở trẻ em
Để phòng tránh bệnh nhiễm trùng máu ở trẻ em, các bạn cần phải lưu ý một số vấn đề sau:
- Luôn rửa tay sạch sẽ trước và sau khi chăm sóc con. Ngoài ra, bạn cũng nên hướng dẫn trẻ thực hành rửa tay sạch sẽ để tránh lây nhiễm.
- Cho trẻ đi tiêm chủng đúng định kỳ. Bởi tiêm vắc xin đầy đủ chính là biện pháp tốt nhất ngăn ngừa vi khuẩn và vi rút gây nhiễm trùng.
- Làm sạch bất kỳ vết cắt hoặc vết trầy xước trên da. Bạn phải theo dõi chặt chẽ để chắc chắn rằng vết thương đang có xu hướng lành tốt.
Trên đây là những thông tin cần thiết về bệnh nhiễm trùng máu ở trẻ em. Nếu con có vẻ ốm hơn bình thường thì tốt nhất, bạn nên đưa trẻ đến bệnh viện để khám và điều trị kịp thời nhé.
Chúc các mẹ và bé luôn khỏe mạnh.
--------------------------------------------------------------
Mẹ Khỏe Con Thông Minh: Shop Mẹ và Bé Hàng Đầu Việt Nam
Website: https://mekhoeconthongminh.com/
Số điện thoại: 0942.666.800
Email: cskh@mekhoeconthongminh.com
Địa chỉ: Tầng 3, Tòa nhà 24T3 Thanh Xuân Complex, Số 6 Lê Văn Thiêm, Thanh Xuân Trung, Thanh Xuân, Hà Nội